<p>Hàng năm cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 các giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lại tổ chức một phòng tranh hướng về ngày kỷ niệm như một tri ân trong sự nghiệp trồng người.</p>
<p><br />Ông Trần Vũ Hoàng - Chủ nhiệm khoa Mỹ Thuật phát biểu khai mạc Phòng tranh </p>
<p> Triển lãm thường niên năm nay ghi nhận một sự kiện lớn trong cả nước đó là chào mừng Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với các thầy trò trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội sự kiện đó càng trở nên trọng đại hơn bởi ngôi trường nghệ thuật này được nằm giữa khu phố cũ Hà Nội gắn bó với Quảng trường Cách mạng Tháng Tám - Nhà hát lịch sử. Những hình ảnh bi tráng của một Hà Nội anh dũng, hào hoa, con người thanh lịch xưa cũ từng được nhiều thế hệ họa sĩ Hà Nội thể hiện, nhưng với các giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là một cái nhìn khác biệt. Đó là sự quan sát, cảm nhận đan xen tình cảm da diết về những địa điểm lịch sử Hà Nội gợi nhớ nhiều chuyện xưa cũ qua con người hiện đại. Các tác giả không dùng ngọn bút tự sự để kể chuyện tỷ mỷ mà chỉ cảm nhận bằng tài năng hòa sắc với bút pháp sơn dầu mạnh khỏe của thẩm mỹ đương đại.</p>
<p>Phòng tranh gồm 16 tác phẩm được thể hiện trên những tấm toile kích thước lớn, trang trọng trình bày trên giá vẽ ngay trong sân trường. Một hình thức trưng bày độc đáo của lễ kỷ niệm năm nay đã để lại ấn tượng trong sinh viên về những người thầy của mình. Ánh sáng thực sự của mùa đông ấm áp Hà Nội càng tăng vẻ quyến rũ trên từng tác phẩm. Nét bút của các họa sĩ - giảng viên những người thầy tận tụy tài hoa đã làm sống lại những cảm xúc nghệ thuật của người thời nay trên cái nền cũ hồn xưa của một Thăng Long - Hà Nội quá vãng. Cái tươi mát hay trầm tư gợi nhớ bằng hội họa hiện đại càng đẹp hơn, quyến rũ hơn.</p>
<p>Với chủ đề Ngày về họa sĩ Trần Vũ Hoàng trân trọng phút giây lịch sử Bác Hồ trở về Hà Nội từ chiến khu Việt Bắc. Nét đồng hiện nhiều nhân vật lịch sử cùng hình ảnh Bác Hồ trong gam màu trung độ ẩn ý những trách nhiệm nặng nề của chính phủ những ngày đầu giải phóng thủ đô.</p>
<p> Hà Nội trong kỷ niệm của các họa sĩ là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cầu Long Biên ghi nhận những ngày cuối tháng Chạp 1946 tại Hà Nội, trung đoàn thủ đô sau 60 ngày đêm khói lửa đã can đảm bỏ lại sau lưng một khoảng trời Hà Nội đầy kỷ niệm bi tráng.</p>
<p>Giờ đây cái nhìn của họa sĩ Ngọc Quân là cầu Long Biên Mùa cạn sau những ngày lũ lụt giận dữ của thiên nhiên, họa sĩ Trần Thị Doanh trong Ký ức Hà Nội vẫn là cây cầu quen thuộc gắn với dãy phố cổ, những cái đấu đầu hồi nhà đã thành ấn tượng sâu nặng về hình hài phố phường Hà Nội xưa cũ không thể bỏ qua. Họa sĩ Bùi Quang Khiêm trong tác phẩm Phong cảnh lại thể hiện một cái nhìn khỏe khoắn về một Ô Quan Trưởng cũng như các bạn anh họa sĩ Nguyễn Trường Linh trong Vũ khúc sông Hồng, Vũ Công Khương trong Bài ca sông Hồng, Nguyễn Nghiêm Thành trong Phố mới, Bùi Duy Thông trong Đô thị mới, Vũ Anh Tuấn trong Ngõ nhỏ. Các tác giả trên đã làm sống lại một thời Hà Nội qua cái nhìn tự sự hiện hữu hàng ngày. Sự chuyển dịch hình hài Hà Nội yêu quý qua cái cảm nhận tinh tế chân thành, từ tốn. Những nét mềm mại ý nhị trên tranh của Nguyễn Trường Linh người gặt hái nhiều thành công qua các triển lãm trong năm 2009 không đối lập với chủ đề tác giả lựa chọn.</p>
<p>Ở một mảng tranh khác của các tác giả Lã Quý Phán với Ngày hội của đất, Vũ Tiến Dũng trong Gió đầu mùa, Bùi Quốc Khánh với Phố, Dương Ngọc Diệp với Phố mưa và Nguyễn Văn Thắng với Trừu tượng đỏ rất hiện đại. Các tác giả này đã tìm một hướng giải quyết mới mẻ trong hình và màu với một hành động hội họa khác biệt. Từng vệt chải ngon lành cứ âm thầm lang thang làm chuyển động cả hình thể vốn tĩnh tại ở ngoài đời. Hai cô giáo Nguyễn Thu Hằng với Mùa thu Hà Nội và Lê Hồng Yến - nữ điêu khắc duy nhất của phòng tranh với tác phẩm gò đồng Vũ điệu mùa xuân đã trả lại sự tĩnh tâm, êm đềm của hội họa truyền thống.</p>
<p><img style="display: block; margin-left: auto; margin-right: auto;" src="/FileManager/UploadPath/Tin-tuc/anh30(1).jpg" alt="" /></p>
<p style="text-align: center;"><img style="display: block; margin-left: auto; margin-right: auto;" src="/FileManager/UploadPath/Tin-tuc/anh22(1).jpg" alt="" /><br />Quang cảnh Phòng tranh ngay tại sân trường</p>
<p>Với chỉ 16 gương mặt nghệ sĩ đồng thời là thầy, cô giáo tận tụy tài năng, triển lãm thường niên năm nay đã làm say mê lòng người từ những nét điêu luyện cổ điển, ấn tượng cảm xúc tươi mát đến những hòa sắc rối rít dồn nét tích tụ, tự do phóng khoáng để rồi ào ạt tấp tới trên những tranh sơn dầu khổ lớn 2m.30 x 2m.30. Những hòa sắc xanh lam, nâu đen, vàng cam, cô ban cứ như múa lên chen chúc nhuộm thẫm cả tấm toile trắng. Nắm bắt một cái nhìn đầy biểu cảm về một Hà Nội thăng trầm, đổi mới, các tác giả đã bắt đầu một hành trình mới, thành thật với mình tích tụ trong niềm tin với nỗi nhớ những kỷ niệm đã qua đầy khát vọng với nỗi nhớ những kỷ niệm đã qua đầy khát vọng với một bút lực dồi dào trong bút pháp sơn dầu đương đại. Và phong tranh này như một mở đầu cho một khuynh hướng sáng tác nhất quán của thế hệ giảng viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hiện nay và mai sau về một chủ đề vĩnh cửu: "Vì tình yêu Hà Nội".</p>
Số lượt đọc: 1058 Ngày xuất bản: 10/17/2015 4:55:00 PM Quay trở lại